Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, sức khỏe – y dược cũng trở thành ngành hot khiến nhiều cơ sở đào tạo xin mở ngành hoặc chuyên đào tạo y khoa.
Thế nhưng hiện nay tỉ lệ bác sĩ trên 10.000 dân tại Việt Nam vẫn còn thấp rất nhiều so với thế giới.
Dư luận dậy sóng khi đầu tháng 4 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường đại học Hòa Bình đào tạo ngành y khoa bậc đại học, trước đây từng có lần dư luận lo khi Trường đại học Kinh doanh và công nghệ cũng đào tạo ngành này. Trên mạng xã hội, có người lo như vậy là “phổ cập bác sĩ”.
Nở rộ đào tạo bác sĩ, nhưng…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12,5. Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam đạt 15 bác sĩ trên 10.000 dân.
Chính bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, lĩnh vực đào tạo sức khỏe – y dược cũng trở thành ngành hot khiến nhiều cơ sở đào tạo xin mở ngành đào tạo y khoa. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo y khoa nở rộ sẽ không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Năm 2023, điểm chuẩn ngành y khoa của các trường đại học trên cả nước có sự chênh lệch rõ rệt. Điểm chuẩn chênh lệch giữa nhóm cao nhất và nhóm thấp nhất là hơn 5 điểm. Trong đó, chủ yếu các trường công lập như Y Hà Nội, Y Dược TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội lấy điểm chuẩn 27 – 28 điểm. Trong khi đó, các trường ngoài công lập có số điểm thấp hơn, dao động chỉ khoảng 22 điểm.
Một số trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoặc chỉ cần sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ). Theo thông tin công bố trên website, một trường đại học mới mở ngành đào tạo y khoa năm 2024 đã thông báo điều kiện xét tuyển học bạ đối với ngành y khoa (trừ y học cổ truyền, dược học) yêu cầu có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Lo ngại môi trường thực hành
Vừa tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội chuyên ngành bác sĩ đa khoa, anh Giàng A Chính (25 tuổi), công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho rằng chất lượng đầu vào đại học rất quan trọng, đặc biệt với đào tạo y khoa thì càng quan trọng hơn. Anh Chính chia sẻ khi thi vào Trường đại học Y Hà Nội, chuyên ngành anh theo học có điểm đầu vào 29,5 điểm.
“Áp lực học tập của ngành y có lẽ không cần bàn tới. Tuy nhiên không phải chỉ chăm chỉ là học tập tốt được bởi nếu không có tư duy tốt sẽ không tiếp nhận được kiến thức y khoa. Ngành y đòi hỏi học tập xuyên suốt, liên tục và phải tư duy logic khi chẩn đoán và điều trị bệnh“, anh Chính nhận định.
Bên cạnh đầu vào, anh Chính cho rằng môi trường đào tạo cũng rất quan trọng. Ngành y đòi hỏi phải được tiếp xúc môi trường y khoa, có môi trường để thực hành lâm sàng, học hỏi thực tế mới có thể rèn luyện và học tập tốt. Anh Chính cũng cho rằng so với những trường dân lập thì môi trường công lập, đặc biệt là các trường đào tạo có bệnh viện trực thuộc, sẽ giúp sinh viên học tập tốt hơn.
Đang theo học bác sĩ đa khoa năm 6 tại một trường đại học ngoài công lập ở TP.HCM, bạn T.L. cho biết bản thân đang trong thời gian thực hành tại bệnh viện. Theo từng chuyên khoa, trường sẽ sắp xếp tại một bệnh viện khác nhau để thực hành như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Thống Nhất…
Tuy nhiên, đa phần các bác sĩ đã từng giảng dạy ở trường có sinh viên thực tập thì sẽ ưu tiên cho sinh viên trường đó hơn. Người bệnh sẽ có sự phân biệt, nhìn logo từng trường để đánh giá sinh viên.
“Thường nếu bác sĩ thăm khám, sinh viên sẽ được đi theo xem, chia phòng hỏi bệnh, làm bệnh án, trực đêm. Nhiều hôm người bệnh than mệt, nếu sinh viên hỏi bệnh thì nhiều bệnh nhân sẽ khó chịu. Việc lựa chọn bệnh viện lớn theo mong muốn thực hành là rất khó, sinh viên ít có lựa chọn”, L. tâm sự.
Đào tạo tràn lan, bác sĩ thiếu năng lực, điều dưỡng yếu tay nghề
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – chủ tịch HĐQT Trường đại học Phan Châu Trinh – nhận định hiện nay tỉ lệ bác sĩ, điều dưỡng trên 10.000 dân tại Việt Nam vẫn còn thấp rất nhiều so với các nước trên thế giới. Các trường mở ngành hoặc trường chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe nhiều, nhưng chất lượng đào tạo không cao.
Hệ lụy khi không có chất lượng đưa đến tình trạng bác sĩ thiếu năng lực trong khám chữa bệnh, điều dưỡng yếu tay nghề trong chăm sóc bệnh nhân dẫn đến người dân hoang mang, lo lắng.
“Khi chương trình đào tạo quá dễ dàng, nguồn lực đào tạo không cao, người dân mất niềm tin đối với bác sĩ trẻ. Chúng ta thiếu nhiều bác sĩ, điều dưỡng nhưng chất lượng đào tạo không cao”, bác sĩ Tùng nhấn mạnh.
Bác sĩ Tùng đề xuất muốn nâng cao chất lượng phải đầu tư cho đào tạo bác sĩ. Hiện nay trong các trường đào tạo thiếu rất nhiều thứ như thiếu bệnh viện cho sinh viên thực tập, thiếu cơ chế thực tập, thiếu cơ sở thực hành…
Thực tế tại các bệnh viện mặc dù đông bệnh nhân thế nhưng sinh viên không đủ năng lực để thực hành, ngược lại bác sĩ ở bệnh viện lại không có thời gian để hướng dẫn sinh viên dẫn đến gần như sinh viên chỉ đọc lý thuyết và ra trường.
Nhiều sinh viên chưa bao giờ được thấy máy siêu âm, chưa rà được bệnh. Cần đặt tiêu chuẩn một thầy chỉ được hướng dẫn năm sinh viên, phải được đánh giá độc lập may ra bác sĩ mới đúng chuẩn khi ra trường, như vậy phải giảm được tuyển sinh. Thực tế nếu tuyển sinh ít trường sẽ không đủ tài chính để hoạt động, chi trả vật tư.
“Các nước trên thế giới đầu tư rất lớn cho đào tạo nhân lực ngành y, phải có các trung tâm mô phỏng để sinh viên thực tập, đánh giá trước khi tiếp cận bệnh nhân. Hiện nay các trường đa phần đều lấy bệnh nhân thực tập, nhưng không đủ bệnh nhân thực tập do quá đông sinh viên”, bác sĩ Tùng nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho hay hiện có ba bộ quản lý đào tạo về lĩnh vực sức khỏe. Với đào tạo cao đẳng, trung cấp là do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quản lý; đào tạo đại học với tất cả các ngành học đại học, trong đó có lĩnh vực sức khỏe, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; đào tạo chuyên sâu, đặc thù như bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II là do Bộ Y tế quản lý.
“Theo quy định về quản lý, khi các trường mở ngành đào tạo đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chủ yếu. Tuy nhiên, trước khi xin mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, các đơn vị sẽ phải xin ý kiến về nhu cầu của ngành có nhu cầu đào tạo hay không.
Thứ hai là các điều kiện thực hành để xây dựng đề án có đảm bảo hay không. Bộ Y tế sẽ trả lời hai việc này, còn lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý từ cơ sở vật chất, giảng viên…”, ông Long nêu rõ.
Ông Long cho biết thêm hiện nay Bộ Y tế cũng rất quan tâm đến chất lượng đào tạo nhân lực ngành y. Hiện nay các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập mở nhiều khoa, ngành đào tạo lĩnh vực y khoa.
Khi mở ngành học các bệnh viện lập đề án với các tiêu chí đảm bảo đầy đủ các yêu cầu, có giảng viên, có cơ sở đào tạo… Tuy nhiên, sau đó các trường triển khai thực sự ra sao thì không dễ dàng quản lý.